Tin tức
VĂN HOÁ TRUNG QUỐC: TẶNG GÌ VÀ KHÔNG NÊN TẶNG GÌ?
- Tháng Năm 18, 2022
- Posted by: Hải Anh
- Category: Blog Văn hóa Trung Quốc
Văn hóa là một điểm đặc sắc, là thứ “đặc sản” riêng biệt, mang đậm màu sắc của từng quốc gia, khu vực hay vùng miền. Khi học một loại ngôn ngữ, ta không thể tách rời với việc tìm hiểu về văn hóa của quốc gia có sử dụng ngôn ngữ đó.
Trung Quốc là đất nước có nền văn hóa lâu đời. Bản sắc văn hóa Trung Hoa cũng là một đề tài lớn được rất nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn. Bạn đã biết những gì về văn hóa tặng quà của người Trung Hoa chưa? Chúng ta nên tặng gì và không nên tặng gì cho người Trung Quốc? Hôm nay, mời bạn cùng SINNY đi tìm hiểu mảng văn hóa hấp dẫn này nhé!
Tặng quà lẫn nhau là truyền thống được coi trọng ở Trung Quốc
Trung Hoa là đất nước có bề dày văn hóa lịch sử kéo dài hàng ngàn năm. Văn hóa tặng quà của người Hoa rất được yêu thích, được ca ngợi và chú trọng. Với người Hoa, họ quan trọng việc “có đi có lại”. Khi nhận được một món quà tặng từ người khác, nhất định phải có một món quà đáp lễ.
Đối với người Trung Quốc, việc tặng quà không chỉ là nguyên tắc cơ bản trong làm ăn kinh doanh. Mà còn thể hiện đạo lý truyền thống xa xưa của dân tộc họ. Quà tặng xuất phát từ sự biết ơn, cho nên món quà thể hiện cho sự tôn trọng dành cho người nhận.
>>>>>>>> Bạn quan tâm: Khoá học tiếng Trung
NÊN TẶNG GÌ CHO NGƯỜI TRUNG QUỐC
Quả đào
Theo truyền thuyết, trên tiên giới có cây đào tiên, 3000 năm mới đơm hoa kết quả một lần, ăn một quả có thể trường sinh bất lão. Vì thế, quả đào biểu tượng cho “Thọ”. Trong ba vị Thần Phúc Lộc Thọ thì đầu của ông Thần Thọ trông rất giống với trái đào tiên. Cũng vì ý nghĩa này mà người Trung Quốc thường biếu tặng đào trong các buổi mừng thọ. Trái đào dâng lên là thể hiện mong muốn ông bà bố mẹ có thể sống lâu, sống mãi bên con cháu.
Ngày nay, người ta có nhiều biến tấu. Để các món quà thêm phần phong phú, họ nghĩa ra bánh màn thầu hình dáng trái đào, bánh sinh nhật tạo hình quả đào,…
Quả táo
Đêm Noel, người Trung Quốc thường tặng nhau những trái táo. Trong tiếng Trung, đêm Noel được đọc là pinganye, từ ping có cách đọc và cách viết tương tự như ping trong pingguo (nghĩa là quả táo). Chính vì điều này mà quả táo được chọn làm món quà tượng trưng cho bình an, yên vui. Người nông dân Trung Quốc còn rất sáng tạo khi tạo các hoa văn trên vỏ ngoài quả táo. Họ làm như thế nào? Rất đơn giản! Họ sử dụng nghệ thuật cắt giấy trong văn hóa Trung Hoa. Họ mang giấy đã cắt dán lên quả táo.
Phần táo được mặt trời chiếu vào vẫn giữ nguyên màu đỏ tự nhiên. Còn phần bị giấy che đi, không được nhận ánh nắng mặt trời sẽ chuyển sang ngả màu vàng xanh. Từ đó, tạo nên các họa tiết đẹp đẽ trên vỏ của quả táo.
Quả quýt
Mùa xuân, đón tết, tặng người thân bè bạn những trái quýt tươi mọng, biểu thị dàjídàlì 大吉大利 (đại cát đại lợi). Ta biết trong tiếng Trung, quả quýt là 橘子 / 桔子. Mặc dù cách viết không giống nhau nhưng cả hai hán tự này đều đọc là jú . Ở một số vùng phía nam Trung Quốc, trong tiếng địa phương, người ta đọc quả quýt là jí, vì thế nó sẽ hài âm với 吉jí trong dàjídàlì 大吉大利.
Ngày Tết, mang tặng người Trung Quốc một giỏ quýt to mọng, là thể hiện ý nghĩa tốt đẹp, mong ước cho gia chủ một năm đại cát đại lợi.
Táo đỏ+ Hạt lạc+ Nhãn+ Hạt dẻ
Ta biết, táo đỏ -枣子zǎozi, lạc花生huāshēng, nhãn桂圆guìyuán, hạt dẻ栗子 lìzi. Với tên của mỗi loại hạt, ta lấy ra một chữ thì sẽ được cụm bốn từ枣生桂子. Bốn âm này, ta áp dụng hiện tượng hài âm thì sẽ được cụm: 早生贵子, nghĩa là sớm sinh con đẻ cái. Trong hôn lễ, sự kết hợp của bốn loại quả hạt này là lời chúc đến với tân lang tân nương sẽ sớm hạ sinh em bé.
KHÔNG NÊN TẶNG GÌ CHO NGƯỜI TRUNG QUỐC
Đồng Hồ
Tặng đồng hồ trong tiếng Trung là 送钟 hài âm với 送终 sòngzhōng (Nghĩa là tiễn đưa người đã khuất). Đó là lý do tại sao người Trung Quốc kiêng kị việc tặng đồng hồ.
Cái ô
Ngày xưa, trong hầu hết các đoàn kịch đều có 1 quy định rất nghiêm khắc. Đó là ko đc nói 伞san/ 雨伞yusan, mà phải nói 雨盖yugai/雨遮yuzhe. Bởi vì 伞sǎn hài âm với 散sǎn. Mà từ 散 lại có hai cách đọc là:
sǎn 散乱 (tán loạn, tản loạn)、松散 (tinh thần phân tán, không tập trung)
sàn 解散 (giải tán/ hủy bỏ, bãi bỏ)、离散(ly tán, chia lìa, phân tán)、散伙 (tan vỡ, giải tán, tan đám, tan hội)
Cho đến nay, rất nhiều đoàn kịch Trung Quốc vẫn giữ nguyên quy định không mang ô để ra sau khán đài.
Quả lê
Trong tiếng Trung, quả lê là 梨 đọc là lí, hài âm với 离. Mà 分梨 fenli, nghĩa là bổ lê, đọc giống y như 分离 fenli, nghĩa là phân ly, chia lìa. Ngoài ra, từ 离 còn có trong các từ sau: 离别 (Ly biệt),离婚 (Ly hôn). Đây đều là những từ vựng mang những ý nghĩa không tốt đẹp, là những điều mà không ai mong muốn sẽ xảy ra cả. Vì thế người Trung Quốc cũng kiêng tặng nhau trái lê.
Mũ màu xanh
Ngoài những thứ kể ở trên thì trong văn hóa Trung Hoa, mũ màu xanh cũng là một vật dụng không nên tặng. Một câu chuyện có thật như thế này. Có một vị giáo sư người
Trung Quốc làm giảng viên ở nước ngoài. Trong văn hóa của đất nước ấy, màu xanh là màu may mắn, cát tường. Vì thế, họ đã tặng cho vị giáo sư ấy một chiếc mũ màu xanh. Khi nhận quà, vị giáo sư dở cười dở khóc, bạn biết tại sao không? Vì mũ màu xanh trong văn hóa Trung Hoa thể hiện một gia đình có xuất hiện người thứ ba. Đây chắc chắn là một điều mà không ai mong muốn rồi!
Những món quà có 4 cái, số 4
Đối với người Trung Quốc, số 4 đọc là “tứ” nghe rất giống với “tử”. Số 4 được coi là số chết chóc, số kém may mắn đối với người Hoa. Vậy nên khi chọn quà bạn đừng chọn 4 cái, hãy chọn 5 hoặc 6 cái hoặc 1 đôi cũng tốt.
HIỆN TƯỢNG HÀI ÂM
Hài âm là hiện tượng âm đọc gần giống hoặc giống nhau.
Ví dụ:
余 yú là hài âm của 鱼 yú. 连 hài âm với 莲lián. Chính vì thế mà có cách thể hiện ý nghĩa: 连年有余 bằng hoa văn hình hoa sen 莲花 và con cá-鱼. 连年有余 là hi vọng cho mọi năm, liên tiếp các năm đều không chỉ đủ đầy, sung túc mà còn có thể dư thừa, dư giả.
Từ 蝠 fú trong 蝙蝠 biānfú (con dơi)hài âm với 福 (Phúc) fú. Cho nên con dơi là biểu tượng của may mắn, hạnh phúc. Chính vì thế mà có hoa văn kết hợp giữa quả lựu và con dơi. Thời nhà Thanh rất thịnh hành kiểu hoa văn này. Sự kết hợp giữa quả lựu (có nhiều hạt) và những con dơi thể hiện mong muốn: đông con, nhiều phúc 多子多福.
Vậy các bạn có thể lí giải tại sao người Việt Nam mình tặng được mà người Trung Quốc lại kiêng kị rồi đúng không?
>>>>>>> Bạn quan tâm đến văn hoá con người Trung quốc và muốn học tiếng Trung: SINNY